Triển lãm “Chuyện Mình” – Triển lãm cá nhân đầu tiên của họa sĩ Đoàn Đức Hùng
Ngày 26/8 tới đây, họa sĩ Đoàn Đức Hùng sẽ bày triển lãm cá nhân lần đầu tiên của mình tại Phòng tranh Le Lycee, Ana Mandara Villas DaLat Resort & Spa. Triển lãm Chuyện mình trưng bày gần 80 tác phẩm, chất liệu sơn dầu. Đây là những tác phẩm được chọn lọc kỹ lưỡng từ khoảng hơn 100 bức, sáng tác trong 5 năm trở lại đây. Triển lãm là câu chuyện về cuộc sống của anh được kể bằng hội họa.
Là triển lãm cá nhân lần đầu tiên của Đoàn Đức Hùng, có thể coi đây là câu chuyện về cuộc sống của anh được kể bằng hội họa? Đúng vậy! Đoàn Đức Hùng chỉ kể câu chuyện của riêng mình, chuyện của gia đình mình, vợ con, ngôi nhà, vài khuôn mặt người thân, bạn bè, hàng xóm. Và đương nhiên, bên cạnh đó là chuyện nghề, chuyện vẽ: xưởng họa, người mẫu, những bức chân dung tự họa thấp thoáng vui buồn… Mà đã là chuyện mình thì chả cứ là phải “nói to”. Đoàn Đức Hùng ưa thích khổ tranh trung bình và nhỏ. Kích thước cũng là tạng người. Những bức tranh nhỏ như thầm thì, thủ thỉ, của người thân, bạn bè ngồi bên nhau, cạnh nhau, chia sẻ, tâm tình, tin cậy, giãi bày.
Ngẫm kỹ thì thấy, hóa ra chất liệu và kích thước cũng chọn người cả đấy. Nguyễn Gia Trí với sơn mài, Nguyễn Tư Nghiêm với bột màu trên giấy, Nguyễn Phan Chánh với lụa, Bùi Xuân Phái là sơn dầu khổ nhỏ… Trong nghệ thuật thì không có đề tài to hay nhỏ, kích thước lớn hay bé, sơn dầu hay sơn mài… đó chỉ là phương tiện. Phương tiện nào giúp mình làm ra được mình, tìm được mình, kể được câu chuyện của mình mới là cốt tử. Một điều nữa không thể không nói thêm. Trong nghệ thuật lớn nhỏ chả quan trọng gì miễn là chuyện nhỏ của mình, chuyện của cá nhân mình, chuyện riêng tư của mình nói được chuyện chung, nó chạm được đến chuyện của mọi người. Cho dù là chuyện của một người nhưng khái quát được chuyện của cõi người thì thành nghệ thuật. Trong riêng có chung, trong chung có riêng. Một trong tất cả, tất cả trong một là thế.
Nếu đi qua được lòng mình thì sẽ đến được lòng người.
Trở lại Chuyện mình xem cái giọng kể của Đoàn Đức Hùng thế nào. Tôi cứ hình dung rằng, trước khi vẽ, Hùng sẽ ngồi trước nhân vật của mình, ngắm nghía, trò chuyện tâm sự hoặc ngẫm nghĩ về nhân vật ấy thật lâu, chậm rãi đợi và đợi đến khi cảm xúc tràn đầy thì sẽ vẽ thật nhanh, ào ạt, một hơi không nghỉ. Nhiều bức, người xem thấy tốc độ bút bay, lướt trên toan như sợ rằng thao tác vẽ không theo kịp cảm xúc. Vẽ cũng như tu thiền, chỉ có hai con đường, hoặc là đốn ngộ hoặc là tiệm ngộ.
Đoàn Đức Hùng thuộc tông phái đốn ngộ, “đốn vẽ”. Hùng không vẽ kiểu ngâm nga, vờn tỉa, tô đi dạm lại, nắn nót tỉ mẩn. Những vết bút đẫm sơn trôi trên mặt toan theo đà của xúc cảm chứ không chạy theo hình, gò theo hình. Những nhát bút khoáng đạt, không gò gẫm vào hình, nô lệ vào hình, bó thân về hình. Khái niệm đúng hình trở nên vô nghĩa. Nói cách khác, cái đúng hình của Đoàn Đức Hùng là một đúng khác, đúng duyên. Duyên thì chẳng dạy được mà cũng không học được.
Họa sĩ Đoàn Đức Hùng
Tôi thích quan niệm của Nietzche: “Nghệ thuật là hóa kiếp cái tất định đóng cứng của thế giới hiện tượng trở thành vẻ đẹp khả thế của chân lý chưa khai mở”. Hình đã vậy nên màu, đậm nhạt, sáng tối trong tranh của anh cũng vượt qua cái lý của hiện thực. Nó chỉ còn là cảm về sáng tối, cảm về màu. Lòng mình cảm thấy thế thì hòa sắc thế, đậm nhạt thế. Cái tình đi thẳng từ tim ra tranh, cái tình là lực đẩy bút đi. Lực tình chứ không phải lực tay. Vẽ là vẽ bằng tình. Bút pháp của Đoàn Đức Hùng là bút pháp tình. Khi vẽ thì không đắn đo, suy tính. Cái lý chỉ có trước khi vẽ, còn khi đã cầm bút thì cái lý phải ngủ quên, chỉ còn cái tình thôi. Cũng có thể hiểu muốn có tình thì phải “vô tình”. Bản năng nghệ thuật của Đoàn Đức Hùng đủ tinh tế để hài hòa giữa tình và lý. Cho nên trong một số bức, điểm nhãn trong tranh của Đoàn Đức Hùng chính là những tình cờ, ngẫu nhiên, những vô tình, thậm chí “vô thức”. Hội họa là chuyện của trái tim, của tấm lòng, tấm tình. Nghệ sĩ khi nhìn thấy oan ức ngang trái trong “cõi người ta” thì phải “đau đớn lòng”. Không cứ hội họa, các ngành nghệ thuật khác đều thế cả, tiếng hát phải cất lên từ đáy lòng mình, thơ ca, văn chương là chữ nghĩa trong gan ruột mình ứa ra, chảy ra v.v..
Mới là lần bày đầu, rất có thể đến lúc hội họa của chính Đoàn Đức Hùng mách bảo anh rằng nên chắt lọc thêm, nên cởi bỏ đi những gì ngoài mình… Hùng sẽ còn đi tiếp, bởi cái đà, cái nền đã có. Lão Tử dạy trong Đạo Đức Kinh: Cái đức của nước là “thuận”, nhu thuận, thuận theo, “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Cái đức của Hùng cũng có chất thuận theo. Cứ thuận theo lòng mình, thuận theo tình mình mà vẽ thôi.
Lê Thiết Cương
6.2023