Triển lãm “”Mây Đông Dương”” – Du miên cùng hoài niệm
Nhóm 5 họa sĩ tài năng đã hội tụ, cùng vẽ những khoảnh khắc chạm đến cảm xúc người xem trong không gian của khu biệt thự Ana Mandara Đà Lạt đậm nét kiến trúc Pháp xen lẫn Đông Dương một thời. Triển lãm mang tên “Mây Đông Dương” – với 25 tác phẩm đang được trưng bày tại phòng Le Lycée Ballroom – Ana Mandara Villas Dalat Resort & Spa, thành phố Đà Lạt từ 15/5 đến 31/7/2022
Đây là lần thứ 2, họa sĩ Lê Anh Quân tham gia triển lãm tranh tại Ana Mandara Đà Lạt. “Những bé gái Ballet” cùng 17 tác phẩm của riêng anh là sự kiện đầu tiên, cũng tại không gian trưng bày này. “Triển lãm đó đã khiến cho rất nhiều người quan tâm và thích thú. Khi tôi nói với những người “bạn vẽ” của mình về cảm xúc rất đặc biệt lúc “múa cọ” ở lưng chừng đồi, giữa mây ngàn và thông xanh, thấp thoáng những mảng tường, mái ngói hay những giàn hoa leo…, dường như ai nấy đều sẵn sàng cho cuộc hội ngộ đầy thi vị này. Và thế là chúng tôi đã có 10 ngày cùng nhau ở đây, cùng vẽ, cùng sáng tác, trên là mây, xung quanh là những công trình kiến trúc tuyệt đẹp. Trong triển lãm, chúng tôi mang đến cho khán giả những tác phẩm tươi mới nhất, có thể còn chưa kịp khô màu…” Họa sĩ Lê Anh Quân hào hứng kể về duyên cớ khiến anh và nhóm những người họa sĩ yêu Đà Lạt gặp gỡ và cùng nhau sáng tác tại đây.
Buổi khai mạc triển lãm tranh diễn ra ngày 15/5 với sự có mặt của Lãnh đạo các cơ quan chính quyền tỉnh Lâm Đồng, thành phố Đà Lạt; Lãnh đạo Hội Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng mỹ thuật Hà Nội cùng nhiều đại biểu khách mời tới tham dự. Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đông phát biểu: “Khu biệt thự cổ Ana Mandara là một địa điểm dành cho các nhà sáng tạo nghệ thuật, các nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, hoạ sĩ và các nhà thơ, nhà văn luôn tìm đến để sáng tác. Ngày hôm nay, 5 hoạ sĩ đã tổ chức chương trình trại sáng tác “Mây Đông Dương” rất có ý nghĩa và đây là một trong các hoạt động sáng tạo nghệ thuật góp phần quảng bá nét văn hoá của tỉnh Lâm Đồng, Thành phố Đà Lạt.”
Cũng trong buổi khai mạc, hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn – Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam phát biểu: “Trong những năm gần đây, sự chủ động vào cuộc của các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Việt Nam để hỗ trợ cho nghệ thuật phát triển rất nhiều và tôi cho rằng đó là tín hiệu vui cho thời kỳ mới của đất nước. Chúng tôi rất cảm động về sự quan tâm, yêu thích và sự có mặt của các quý vị ở đây để chia sẻ cảm xúc, chúc mừng các tác giả đã có một phòng triển lãm tranh đầy ấn tượng. Chúng tôi cũng hy vọng rằng, Ana Mandara sẽ là địa chỉ thường xuyên đón các nghệ sĩ tới để sáng tạo nghệ thuật, giúp cho sự phát triển đổi mới cho nền mỹ thuật đương đại Việt Nam thế kỷ XXI.”
Nhóm họa sĩ đã chọn “Mây Đông Dương” là tên cho trại sáng tác, đồng thời là tên của triển lãm, vì nó chính là những gì cô đọng nhất họ cảm nhận thấy ở không gian này. Và Mây hay Đông Dương trong mỗi mắt nhìn của người họa sĩ đều mang đến những cảm nhận riêng biệt. Bởi, cùng chung đam mê hội họa nhưng họ lại ở những lứa tuổi khác nhau: họa sĩ Lê Anh Quân (sinh năm 1977), họa sĩ Lưu Vũ Long (1976), họa sĩ Đào Lê Hương (1965), họa sĩ Đinh Thiên Tâm (1982), họa sĩ Đinh Khắc Công (1958). Mỗi thế hệ – một góc nhìn và dòng cảm nhận với những sở trường khác biệt. Cá tính và phong cách không trộn lẫn chính là điều làm nên nét riêng của mỗi người họa sĩ. “Cùng một “bầu khí quyển”, nhưng tác phẩm lại đánh dấu chủ quyền phong cách không thể trộn lẫn của mỗi người. Đó chính là nét hay của nghệ thuật nói chung và hội họa nói riêng” – Họa sĩ Đinh Thiên Tâm chia sẻ.
Trong khuôn viên căn biệt thự số 12 là nơi hoạ sĩ Lê Anh Quân như hoà mình vào thiên nhiên và dành trọn vẹn thời gian để hoàn thiện bức tranh “Mây”. Anh chia sẻ: “Các tác phẩm là xúc cảm xuyên suốt trong quá trình sáng tác, sự xuyên suốt ấy nó liền mạch luôn cả 5 bức vẽ. Lần này tôi đến Đà Lạt với xúc cảm khá đặc biệt. Những gam màu trên bức tranh là ý tưởng của tôi về một Đà Lạt bồng bềnh trên mây và bình minh ở đây rất đẹp.”
Nổi bật ấn tượng trong 25 tác phẩm của 5 họa sĩ là những bức vẽ của hoạ sĩ Lưu Vũ Long được anh tâm đắc đặt tên là “Vẽ giữa đại ngàn Langbiang” hay “Câu chuyện của rừng”. Đối với anh: “Đại ngàn thâm sâu mang trong mình bao sử thi hùng tráng. Lắng nghe những câu chuyện của đại ngàn, tôi thấy chỉ ghi chép thiên nhiên thôi là không đủ. Tôi cảm nhận, tôi hoà mình vào Langbiang để viết những câu chuyện của rừng.” Đây là những xúc cảm chân thật mà hoạ sĩ đã cảm nhận được trong những ngày làm việc tại trại sáng tác “Mây Đông Dương”.
Dưới con mắt nghệ thuật của các hoạ sĩ, trong cùng một không gian nhưng mỗi tác giả lại lựa chọn cho mình một cảm xúc khác nhau trong quá trình sáng tác. Và trong không gian của khu biệt thự Ana Mandara – một “ngôi làng Pháp thu nhỏ”, từng khung cảnh cụ thể được đặt trong một khoảng thời gian cũng sẽ mang lại những cảm xúc khác nhau. Những bức tranh của hoạ sĩ Đinh Khắc Công đã thể hiện sâu sắc điều đó. Ông chia sẻ: “Tôi cảm nhận được sự thay đổi của không gian ở đây vào buổi sáng mặt trời mới lên, buổi trưa hay chói chang buổi chiều… cả quá trình ấy, mỗi không gian tôi lại cảm nhận một khác, thế nên bút pháp có thể là tĩnh lặng, cũng có thể là ào ạt, cũng có thể là gam màu đối chọi mạnh và tả được đúng cái thần của nó.”